“CUỘC THI TÁC PHẨM ĐẸP SUVN 2024”
– Họ Tên: Nguyễn Đăng
– Tên tác phẩm/công trình: Góc nhỏ của bà
– Phần mềm: Sketchup – 3Dsmax – Corona – Autocad – Photoshop
– Vài điều mô tả về tác phẩm:
Có khi nào bạn thắc mắc, không gian phòng ngủ dành cho người cao tuổi có gì đặc biệt hơn các không gian khác, và cần lưu ý điều gì trong quá trình thiết kế hay không?
Được tiếp cận với đề tài đặc biệt nhưng cũng rất đỗi quen thuộc này từ gia chủ có mong muốn thiết kế không gian phòng ngủ dành cho người mẹ của mình đã ngoài 80. Yêu cầu của chú là cần một căn phòng trước hết phải đảm bảo an toàn cho người lớn tuổi. Đặc biệt, bà không nằm được phòng điều hòa. Không gian đảm bảo riêng tư nhưng cũng không quá bí bách , đủ rộng rãi để mời các cụ quanh khu về nhà chơi, vì nhu cầu tâm sự trò chuyện của các cụ ở độ tuổi bát thập cổ lai hy là rất lớn.
Nắm bắt được những nhu cầu ấy, một ý tưởng về “Góc nhỏ của Bà” bắt đầu được manh nha hình thành bởi nguồn cảm hứng xuất phát từ mái nhà tranh vách đất, với khu vườn nho nhỏ hóng mát ngày hè.
Đi sâu vào giải quyết từng vấn đề được yêu cầu trong đề bài, concept “Góc nhỏ của Bà” đưa ra các giải pháp chính trong thiết kế như sau:
Đi sâu vào giải quyết từng vấn đề được yêu cầu trong đề bài, concept “Góc nhỏ của Bà” đưa ra các giải pháp chính trong thiết kế như sau:
1. Về không gian chung:
Bố cục tổng thể phòng ngủ được bố trí tại tầng 1, hạn chế việc phải leo trèo, di chuyển.
Không gian được chia thành 03 phân khu chính, trong đó phòng ngủ chính và vệ sinh được kết nối bởi một khoảng đệm là phần sân vườn nhỏ được đặt dưới lớp giếng trời, đảm bảo tất cả các không gian đều được nhận ánh sáng tự nhiên. Vấn đề đối lưu không khí cũng sẽ được giải quyết tại khoảng đệm này, tránh sự tích tụ vi khuẩn gây hại tại khu vực vệ sinh.
2. Về yếu tố thuận tiện, an toàn:
Luồng giao thông di chuyển cần được tư duy gọn gàng, thuận tiện. Các thông số nhân trắc học về kích thước hành lang, hay kích thước từng hạng mục đều phải đảm bảo trong cả việc sử dụng hằng ngày và trường hợp dùng xe lăn trong tương lai.
Phần sàn ưu tiên bằng phẳng, hạn chế giật cốt hoặc có sự thay đổi quá đột ngột về cao độ sàn giữa các không gian, gây vấp ngã, mất an toàn. Bố trí tay vịn chống ngã xuyên suốt phần hành lang và vệ sinh. Với những nơi cần quãng đường di chuyển dài, thiết kế thêm ghế nghỉ gấp gọn sao cho hợp lý.
3. Về vật liệu:
Do bà không quen sử dụng điều hòa nên vấn đề làm mát, chống nóng và thông gió tự nhiên cần được đặc biệt lưu ý. Trong suốt chiều dài lịch sử của kiến trúc truyền thống Việt Nam, nhà ba gian vách đất, lợp ngói đất nung luôn là kiểu hình kiến trúc tiêu biểu, giải quyết rất tốt vấn đề vi khí hậu, mát mẻ vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Vận dụng yếu tố đó, một hệ mái chéo mô phỏng mái nhà cấp 4 được sử dụng làm phần trần chính của phòng ngủ thay vì trần thạch cao thông thường. Phía dưới là hệ kết cấu các nan gỗ dọc, phía trên lợp đá đen Lai Châu giúp hạn chế tối đa sự xâm nhập của nhiệt độ môi trường vào mùa hè, nhưng vẫn đảm bảo sự thông thoáng trong những ngày nồm ẩm của khí hậu miền Bắc.
Phần tường được sử dụng hoàn toàn bằng đất ô lưu cải tiến, tăng hiệu quả làm mát và hút ẩm. Sàn được sử dụng gạch T-Space cắt ghép, chia nhỏ thành các tấm vuông kích thước 300×300, giúp tăng mật độ mạch gạch, chống trơn trượt, bên cạnh đó cũng làm nổi bật tính truyền thống của không gian.
Toàn bộ hệ cửa tiếp xúc trực tiếp với môi trường đều được bố trí cửa kính cánh gỗ bên ngoài, phủ một lớp rèm MODERO Elise hoặc rèm sáo gỗ phía trong, giải quyết trường hợp người sử dụng muốn mở cửa nhưng vẫn đảm bảo sự riêng tư và tránh sự xâm nhập của côn trùng, nắng và gió.